Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Vấn nạn tắc đường ở thủ đô

Tuyến phố Vương Thừa Vũ dài khoảng hơn 1 km, từ đường Trường Chinh đến ngã ba Hoàng Văn Thái, chiều ngày 20-10 vừa qua người đông như chảy hội. Lòng đường, vỉa hè, không còn chỗ len chân. “Dòng sông” người phố Vương Thừa Vũ cứ dậm chân tại chỗ hơn bốn giờ đồng hồ.


Lí do: tắc đường. đây là kỉ lục ở cái khu phố này. Thực ra, phố này ngày nào chả tắc đường. Sáng tắc, chiều tắc vào giờ đi làm và tan tầm. Vì cứ khoảng từ 5 giờ đến 6 giờ, đường đã hẹp lại đi hai chiều, một bên chiếc xe rác to đùng, một bên chiếc xe ba gác thu gom rác đỗ chềnh ềnh, anh công nhân vệ sinh từ từ nhặt từng túi rác bỏ vào xe và chậm rãi đẩy chiếc xe lăn đi từng đoạn một. Thế là xe nọ phải chờ xe kia. Ô-tô, còn xe máy, xe đạp mạnh ai nấy đi.
Năm 2007, người ta phân luồng, phố Vương Thừa Vũ chỉ cho xe ô-tô đi một chiều từ ngã ba đường Trường Chinh rẽ vào, nên không mấy khi ùn tắc. Sang năm 2008, người ta lại dỡ biển cấm đi ngược chiều, thế là nạn ùn tắc thường xảy ra.
Hiện tượng ở phố Vương Thừa Vũ chỉ là một điểm tắc cục bộ.
Những năm 80 thế kỉ XX trở về trước ở Hà Nội ít khi người ta gặp cảnh “tắc đường” trừ vài điểm có công trường xây dựng. Có chăng chỉ xảy ra ở cầu Long Biên, rồi dần dà lấn sang cầu Chương Dương. Còn bây giờ, chuyện tắc đường trở thành “cơm bữa”, không ở đường này thì đường khác.
Người ta cũng bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của, công sức để tìm ra nguyên nhân. Nào báo chí lên tiếng, nào hội thảo, hội nghị, rồi cả Nghị quyết này, Quyết định khác, nhưng tắc đường vẫn triền miên. Hầu như mọi ý kiến đều nghiêng về đổ lỗi cho kết cấu hạ tầng. chưa đáp ứng được rồi ý thức của người dân chưa chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. Nhưng có một nguyên nhân khác mà lâu nay ít người nhắc tới. Đó là quy hoạch.
Hà Nội ngày xưa làm gì có nhà cao bảy, tám tầng. Có người còn cho rằng, nền đất Hà Nội yếu, không thể xây cao quá sáu tầng. Còn bây giờ, nhà mười lăm, hai mươi tầng nhan nhản. Sắp tới Hà Nội còn có nhà cao nhất Đông Dương. Hà Nội phát triển, Hà nội to đẹp ai cũng tự hào. Song, nhìn lại, thấy Hà Nội chật chội quá, chắp vá quá. Hà Nội ngày xưa người ta quy hoạch chỉ cho khoảng vài trăm nghìn người. Bây giờ Hà nội bao trùm cả Hà Tây, dân số trên sáu triệu người. Dân số tăng, tất yếu dẫn đến chuyện các phương tiện đi lại tăng.

Tắc đường ở Hà Nội
Ngày xưa, các khu trung tâm Hà Nội như quận Hoàn Kiếm, Ba đình mấy khi tắc đường, bởi các khu vực này làm gì có nhà cao mươi mười lăm tầng. Không có nhà cao tầng, không phát sinh dân số, không tăng các phương tiện giao thông. Việc quy hoạch giao thông các khu trung tâm này hợp lí. Tất cả các con đường đều cho xe đi một chiều. Dòng chảy giao thông vì thế mà không bị ùn tắc. Việc bố trí các cơ quan hành chính, tài chính, dịch vụ cũng tập trung ở trung tâm làm cho mật độ giao thông tăng lên. Đành rằng Hà Nội phát triển phải có nhiều nhà cao tầng, phải tập trung các trung tâm kinh tế. Đó cũng là quy luật của quá trình đô thị hoá.
Hà Nội vào thập niên chín mươi của thế kỉ XX chắc cũng chưa đến nỗi khan hiếm đất đai. Giả sử, việc quy hoạch Hà Nội có tính đến chuyện tắc đường, thì ngày nay đâu phải lo chuyện đường sá. Giả sử ngày ấy, việc quy hoạch các nhà cao tầng tại các khu trung tâm ít đi, thì việc đi lại ngày nay đâu phải lo chuyện tắc đường. Hà Nội cũng đã xây dựng nhiều khu dân cư cao tầng. Khu Linh đàm, Định Công, Bắc Thăng Long, Nhân Hoà, Trung Chính, Nam Trung Yên, làng quốc tế Thăng Long, Mỹ Đình v.v... nhà cao tầng xếp hàng thẳng tắp. Nhưng chuyện tắc đường lại xảy ra. Kinh tế phát triển. Đời sống người dân được nâng lên. Nhu cầu về các phương tiện đi lại tăng lên. Bây giờ người Hà Nội ít đi xe đạp. Đi xe máy là chuyện bình thường. Còn số lượng ô-tô thì tăng lên mỗi năm. Các khu dân cư nói trên không hiểu mươi năm nữa còn chỗ cho người có xe ô-tô đỗ. Đành rằng lúc này, nhu cầu cấp thiết và quan trọng nhất vẫn là làm sao có nhiều căn hộ để tái định cư. Các nhà đầu tư bất động sản, cái tính toán đầu tiên vẫn là kinh tế. Xây được nhiều nhà, có được nhiều căn hộ mới có lãi. Khi xây dựng các khu dân cư, hẳn các nhà quy hoạch, xây dựng đã tính toán được số dân sẽ đến ở, số hộ gia đình, số người lớn, trẻ em, nhu cầu sinh hoạt, đi lại, việc học hành, cơm nước, chợ búa của người dân. Nếu những nhu cầu thiết yếu của người dân ơ các khu dân cư này được đáp ứng tại chỗ thì chắc rằng nạn tắc đường không lan toả và đến nỗi trầm trọng như hiện nay. Bây giờ sáp nhập Hà Tây và Hà Nội, thì thấy người đổ về trung tâm Hà Nội tăng lên nhiều so với người Hà Nội vào Hà Đông làm việc, thêm một tác nhân tắc đường.
Việc quy hoạch giao thông ở những khu mới thành lập như quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên v.v… nếu được tính toán khoa học, hợp lí thì dòng chảy giao thông sẽ thông suốt. Nên chăng, các con đường đều cho xe ô-tô chạy một chiều.
Hà Nội bây giờ đất nhiều hơn, nhiều khu dân cư mới sẽ hình thành, nếu cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, trường học, bệnh viện … không được tính toán cho tương lai xa hàng thế kỉ, thì rồi nạn tắc đường không biết dến bao giờ mới giải quyết xong

Nguồn: Vũ Xuân Thực ( Báo nguoicaotuoi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét