Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Hà Nội bao giờ hết tắc đường?

Không chỉ Hà Nội mà tại nhiều thành phố lớn của các nước đang phát triển ở châu Á, tắc đường đã trở thành chuyện “cơm bữa”. Mặc dù đã có nhiều hội thảo, công trình nghiên cứu mong tìm lời giải cho vấn đề này, nhưng khi nào Hà Nội không còn tắc nghẽn giao thông, câu trả lời vẫn bỏ ngỏ.



Phương tiện giao thông tăng từ 12-15%/năm

Tại hội thảo “Quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông công cộng - Thách thức chính cho tương lại đô thị” do Viện Goethe Hà Nội tổ chức sáng 23/6, Thạc sỹ Lê Vinh - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, cho hay: Hiện thủ đô có 583 tuyến đường do Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội quản lý với tổng chiều dài khoảng 1.178 km.


Tắc đường là nguyên nhân của nhiều hệ lụy không tốt

Trong khi Hà Nội đang có khoảng 3,7 triệu xe máy và 400.000 xe ô tô lưu thông hàng ngày, mỗi tháng địa phương này lại có thêm từ 26.000-30.000 xe máy được đăng ký mới và lượng ô tô là 4.000-6.000 chiếc. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các phương tiện giao thông là từ 12-15%/năm.

Phương tiện vận tải công cộng hiện nay là xe buýt mới chỉ đáp ứng được 9% nhu cầu đi lại của người dân. Kéo theo điều này là tình trạng tắc nghẽn diễn ra tại hầu hết các tuyến phố trong giờ cao điểm.

Về nguyên nhân, theo ông Vinh, không phải do Hà Nội thiếu quy hoạch đối với mạng lưới giao thông mà là hệ thống giao thông đô thị tại đây đang bị quá tải trước tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng dân số quá nhanh.

“Từ quy hoạch có khi phải mất 8 năm một con đường mới có thể hình thành trong thực tế”, ông Vinh dẫn giải. Vì vậy, đây là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Một yếu tố khác góp phần vào thực trạng này là ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao. “Hãy cứ đi!” là đặc điểm điển hình của những người điều khiển các phương tiện giao thông tại Hà Nội”, TS. Michael Bose - Chuyên gia quy hoạch đô thị của Đức, nhìn nhận.

TS. Khuất Việt Hùng - Trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải của trường Đại học Giao thông Vận tải, cho rằng giao thông phụ thuộc vào xe máy là một đặc điểm nổi bật tại nhiều thành phố lớn ở nước ta. Do đó, không thể xoá bỏ xe máy do phương tiện này khá phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu đi lại của người dân.

Quy hoạch đã có nhưng…

Trong khi đó, hiện nay quy hoạch thủ đô cũng chưa có được câu trả lời, rằng thời gian tới các phương tiện công cộng sẽ chủ yếu dựa vào ô tô hay tàu điện.

Thêm vào đó, quy hoạch giao thông chỉ được xem là một quy hoạch chuyên ngành trong quy hoạch tổng thể của thành phố. Như vậy, sẽ rất khó có được nguồn kinh phí đủ lớn cho thu thập và xử lý thông tin, để quy hoạch không bị lạc hậu so với thực tế.


Tất cả phương án vẫn ở trên giấy

Tiếp đến là vấn đề làm sao thuyết phục người dân sử dụng các phương tiện công cộng này, khi mà mức chi phí cao hơn khá nhiều so với việc sử dụng xe máy.

Để giải quyết vấn đề này, ông Vinh đề xuất cần tập trung xây dựng các đường vành đai cũng như hệ thống cầu bắc qua sông Hồng để thành phố phát triển ở cả hai bên bờ sông thay vì chỉ một phía như hiện nay.

Với kinh nghiệm của mình, TS. Yiemchai Chatkeo - Nguyên Phó Giám đốc điều hành cơ quan quản lý các phương tiện vận chuyển số đông của Thái Lan, gợi ý Hà Nội nên phát triển theo hướng đa trung tâm thì mới mong giảm bớt tình trạng quá tải hiện nay.

Song, tất cả điều này vẫn còn trên giấy.

Nguồn : (Tamnhin.net) -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét