Ngã tư Kim Ngưu - Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đèn tín hiệu đang màu xanh, xe máy do người đàn ông trung niên điều khiển bất ngờ bị cảnh sát chặn lại. Bị lập biên bản, chủ xe ngỡ ngàng vì chẳng biết phạm lỗi gì.
Chỉ trong 15 phút sáng 12/7, tại ngã tư Kim Ngưu -
Minh Khai có 5-6 người đi xe máy bị cảnh sát giao thông giữ xe, kiểm tra
giấy tờ. Người đàn ông điều khiển chiếc xe Wave nói: "Đèn xanh tôi mới
chuẩn bị vượt ngã tư, tại sao lại phạm luật?". Trong khi đó, trung úy
cảnh sát giao thông giải thích là đi vào đường cấm.
![]() |
Nhiều người khi chuẩn bị băng qua nút ngã tư thì bị cảnh sát giao thông giữ lại. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo tìm hiểu của VnExpress.net,
khoảng 10 m đoạn cuối đường Kim Ngưu tiếp giáp với ngã tư có một biển
cấm đi ngược chiều được dựng lên cùng dải phân cách chia đôi tuyến đường
nhỏ hẹp làm đôi. Đoạn đường cấm quá ngắn, ngay sát đèn tín hiệu giao
thông và dù cấm đi ngược chiều, nhưng xe buýt vẫn được phép lưu thông nên nhiều người đi xe máy vẫn theo xe buýt để vượt qua ngã tư và không biết mình phạm luật.
Một số người dân sống gần ngã tư cho biết, cách đây nửa năm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội
cho dựng một dải phân cách cứng giữa tim đường Kim Ngưu và cầu Mai Động
sang Minh Khai để phân làn, tránh ùn tắc. Sau đó vài tuần, một biển cấm
đi ngược chiều được dựng lên và mỗi ngày có hàng chục người đi xe máy
bị xử phạt vì đi ngược chiều.
![]() |
Một biển cấm như bẫy người tham gia giao thông tại nút ngã tư Mai Động - Minh Khai. Ảnh: Xuân Tùng |
"Đoạn đường cấm chỉ dài chừng 10
m, lại ngay cột đèn điều khiển giao thông cho nên nhiều người đi theo
thói quen cứ lao xe qua. Cách phân làn như thế chẳng khác gì bẫy người
giao thông", chị Tín, bán hàng nước đầu ngã tư cho biết.
Không chỉ nút ngã tư Kim Ngưu - Minh Khai, nhiều tài xế ôtô
khi từ đường Giải Phóng rẽ vào đường Nguyễn Hữu Thọ để vào bán đảo Linh
Đàm (Hà Nội) cũng búc xúc vì việc cắm biển báo của ngành giao thông.
Đầu đường Nguyễn Hữu Thọ, tiếp giáp với đường tàu,
ngành giao thông cho cắm biển cấm với nội dung: cấm xe tải đến 1,25 tấn
từ 6h đến 8h30 và từ 16h30 đến 22h; cấm xe tải trên 1,25 tấn đến 2,5 tấn
thời gian 6h-20h; cấm xe tải trên 2,5 tấn đến 10 tấn thời gian 6h-21h.
Trong khi đó, xe tải có tải trọng trên 10 tấn, xe siêu trường, siêu
trọng, xe du lịch lại được hoạt động theo giấy phép do Sở Giao thông Vận
tải Hà Nội cấp.
Cách cắm biển cấm tại đây cũng bất hợp lý. Biển cấm là
của đường Nguyễn Hữu Thọ, nhưng lại được cắm trên mặt đường Giải Phóng,
nằm cách xa đầu đường Nguyễn Hữu Thọ 3 m và không có biển báo từ các
ngã rẽ. Phải đi vào đường Nguyễn Hữu Thọ 200 m mới có biển cấm. Việc này
khiến cánh tài xế chạy xe từ hướng Giải Phóng - Ngọc Hồi, nếu để ý quan
sát mới biết có biển cấm, còn cánh tài xế chạy từ Ngọc Hồi ngược lên
không thể nhìn thấy nên cứ điều khiển xe đi vào và bị cảnh sát giao
thông thổi phạt.
![]() |
Biển cấm trên tuyến phố Nguyễn Hữu Thọ được cắm quá xa, khiến tài xế không nhìn thấy nên vẫn đi vào. Ảnh: Xuân Tùng. |
Chiều 14/7, hàng chục xe tải vượt quá trọng tải cho
phép vẫn hướng từ Ngọc Hồi cắt ngã ba Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ đi vào
mà không hề biết đang đi vào đường cấm.
"Các ngã rẽ đều không có biển báo, đầu đường cũng
không thấy có biển nào nên chúng tôi đi vào. Chạy được hơn 200 m sâu vào
gần khu đô thị Linh Đàm mới thấy biển cấm xe tải và khách. Không biết
đơn vị nào cắm biển, nhưng thế này chẳng khác gì đánh bẫy cánh tài xế",
một tài xế xe tải cho biết.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Xuân
Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hệ thống biển
báo giao thông được cắm trên các tuyến đường có thể hợp lý vào thời điểm
này, tuy nhiên đến lúc nào đó sẽ không hợp lý. Cũng không loại trừ một
số trường hợp biển cắm sai vị trí, sai hướng.
"Những phản ánh của người tham gia giao thông, tài xế
về việc cắm biển sai là rất quý, Sở sẽ tập hợp lại sau đó kết hợp cùng
với ngành công an rà soát, nếu thấy biển nào không hợp lý sẽ cho điều
chỉnh", ông Tân khẳng định.
Nguồn : Xuân Tùn( Tin24/7)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét