
Còn nhiều bế tắc cho bài toán giao thông. Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
Cuối năm 2011, Bộ GTVT đã có văn bản
chính thức trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất điều chỉnh giờ làm, giờ
học, nhằm giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Ý tưởng này không mới, và đã
có thêm nhiều trao đổi để thống nhất với chủ trương của UBND TP Hà
Nội trước khi thực hiện, lúc đó dư luận xã hội có rất nhiều ý kiến, thậm
chí trái chiều, chứng tỏ chuyện tắc đường không chỉ ở giờ học, giờ làm.
Khái niệm “giờ cao điểm” ở Hà Nội muốn nói
tới giờ tan tầm, giờ đi học và đi làm. Ngoài thời gian này, đi lại ở
thủ đô nhìn chung là chấp nhận được. Vậy giãn giờ đi làm, đi học và tan
tầm phải chăng sẽ tạo ra hiện tượng “kéo dài giờ cao điểm”, tức là lúc
nào Hà Nội cũng nằm trong “nguy cơ” tắc đường?
Hà Nội có khoảng nửa triệu cán bộ công
chức hưởng ngân sách Nhà nước, khoảng 70% trong số họ phải đưa đón con
cháu vào giờ cao điểm. Nếu như 9h họ đi làm thì 7h vẫn phải đưa con cháu
đi học, tức là vẫn ra đường vào giờ cao điểm, sau đó chẳng lẽ lại về
nhà ngồi đợi 1 tiếng để đến giờ đi làm. Nếu như thế số lần ra đường
không giảm, thậm chí tăng 2-3 lần/ngày, trong khi giá xăng đâu có rẻ.
Suy cho cùng vấn đề ùn tắc giao thông
không thể tư duy mãi theo kiểu “quả trứng-con gà”, tức cần phải có tầm
nhìn. Nhưng tầm nhìn ấy nhiều khi là “tầm nhìn nhiệm kì”, nên không được
dài hơi lại nhanh lạc hậu. Khi giải pháp tình thế dễ làm, mà tầm nhìn
lại thiếu và yếu, xem ra lúc này tốt hơn là “gom” các giải pháp tình thế
thành một giải pháp tổng thể. Mỗi thứ làm giảm ùn tắc “một tý” kể cũng
tốt!
Ở ta rất thích dùng từ “cấm”, cấm xe con
để phải đi xe bus, mới đây là cấm cán bộ giao thông chơi gôn, và tương
lai là cấm xe máy vào nội thành…Cấm đôi khi còn là biểu hiện của sự bế
tắc trước một việc gì đó. Cách ứng xử “không quản được thì cấm” đã từng
bị phê phán vì hiệu quả kém và mang tính áp đặt. Trong cuộc sống, cấm là
cần thiết nhưng không nên lạm dụng, vì có thể gây phản ứng ngược, mà sợ
nhất là lòng dân không nghe.
Một số ý kiến đổ lỗi cho xe máy là gây ùn
tắc, trong khi ô tô chiếm 10% số phương tiện mà chiếm dụng 56% diện tích
lòng đường. Và giờ đây học sinh, công chức cũng là tác nhân của ùn tắc.
Nhưng rất ít “cán bộ” nói ùn tắc là do lỗi của quy hoạch, hay cụ thể
hơn là sự yếu kém về tầm nhìn của nhà chức trách. Để giải quyết ùn tắc
giao thông, cần một hạ tầng mới và một tầm nhìn chiến lược. Mà như thế,
chưa biết đến bao giờ!
“Gốc” của an toàn giao thông là quy hoạch
đô thị, di dân, tạo việc làm, từ giáo dục…, lại chẳng thấy bộ nào phát
động như một phong trào cả. “Thiếu đồng bộ” chẳng mấy chốc đã “đẻ” ra
một “vòng luẩn quẩn”, hao người, tốn của, rồi “điệp khúc” an toàn giao
thông năm nào cũng cất lên, lặp đi lặp lại. Sau đó, ngành giao thông lại
long trọng tổng kết. Kết quả: người vi phạm vẫn vi phạm, bọn đua xe vẫn
đua, tắc đường triền miên... Hình như còn thiếu rất nhiều các giải pháp
cơ bản để đẩy lùi tai nạn giao thông?
Nguồn : Ngô Quốc Đông ( Bao Haiquan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét