Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

“Ma trận” biển báo giao thông: Đánh bẫy lái xe

Trong những ngày qua, từ nguồn tin của bạn đọc, PV Thanh Niên tiếp tục đi ghi nhận thực tế và nhận thấy những phản ánh này hoàn toàn chính xác, đáng để các cơ quan chức năng tiếp thu, chấn chỉnh, tránh để người đi đường bị cảnh sát giao thông (CSGT) phạt oan, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
 
Biển báo cấm đi ngược chiều vô bổ trên đường Nguyễn Văn Quỳ (Q.7)
Biển báo hại tài xế
Những người thường xuyên lưu thông trên đường Nguyễn Văn Quỳ (Q.7), hướng đi vào cảng rau quả, rất bức xúc vì một biển báo cấm đặt giữa đoạn đường này.
 
Biển báo hướng dẫn đường kiểu này không tài nào vừa chạy vừa đọc (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai Q.1) - Ảnh: Minh Nam
Có mặt vào chiều 11.5, chúng tôi nhận thấy, hai bên đường dưới dạ cầu Phú Mỹ có hai chiều đi vào và đi ra. Trong khi chiều đi ra, người điều khiển phương tiện giao thông đi bình thường, thì chiều đi vào (đường Nguyễn Văn Quỳ) lại gây ức chế cho người dân. Khi xe chạy đến giữa con đường, mọi người nhìn thấy tấm biển báo đường một chiều! Khi nhìn thấy biển báo này, nhiều người đi xe gắn máy và ô tô bất ngờ, thắng xe lại… nhìn nhau và tiếp tục cho xe chạy tiếp. Thấy chúng tôi trố mắt nhìn hàng đoàn xe to, xe con, xe gắn máy chạy vào đường cấm, anh Năm - một người dân gần đó - cười: “Dù biết là đường cấm, nhưng họ bắt buộc phải chạy tiếp thôi, vì không biết cho xe đi hướng nào, khi một bên là khu dân cư, bên kia là hố sâu ngăn cách hai chiều, còn quay đầu lại thì cũng đi ngược chiều”.

Đang chạy tốc độ cao mà bắt giảm tốc đột ngột như vậy rồi lại phải đạp ga lên cầu, đố tài xế nào xử lý cho kịp. Biển báo này báo hại tài xế

Lái xe Đỗ Hiếu Nghĩa


Chỉ tay về phía tấm biển cấm đặt “vô duyên” giữa tuyến đường, anh Năm ngao ngán: “Có lẽ biết biển cấm tréo ngoe như vậy nên mấy anh CSGT cũng ít khi đứng đây phạt. Chứ nếu bị phạt thì tài xế chẳng cãi gì được!”.
Ông Nguyễn Văn Lý, tài xế xe khách 45 chỗ, bức xúc vì sự mập mờ của biển báo, khiến ông bị CSGT phạt oan uổng. Ông kể trên một số tuyến đường như Bình Long, Phan Anh… (Q.Tân Phú) có cắm biển cấm xe 7 tấn, 8 tấn… Khi ông cho xe chạy vào những tuyến đường này thì bị CSGT thổi phạt, giam bằng lái. Trong khi đó, tại một số tuyến đường khác như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… thì biển báo ghi rõ ràng: cấm xe chở khách bao nhiêu chỗ và cấm xe tải bao nhiêu tấn để tài xế biết đường mà đi…
Một bạn đọc khác thắc mắc, đoạn QL 13 hướng từ ngã tư Bình Phước về ngã tư Bình Triệu có đoạn đang từ 2 làn xe đột ngột chia thành 3 làn xe, nhưng không có biển báo phân chia làn đường.
“Trường hợp không có biển báo chia làn, xe ô tô được lưu thông tất cả các làn trừ làn trong cùng dành cho xe gắn máy, thô sơ. Khi bị CSGT phạt, tôi lập luận như vậy thì CSGT vẫn cứ phạt lỗi lấn tuyến, với lý do “không có biển báo thì không được đi" và thòng thêm câu "trừ khi xe đông" vào biên bản”, anh Trần Văn Quang, tài xế xe ô tô, bức xúc.
 
Biển báo đường nhiều chỗ ngoặt (biển bên trên) không theo thông lệ quốc tế, gây khó hiểu
Không biết chạy đường nào
Ngày 11.5, chúng tôi có mặt trên đường Nguyễn Văn Linh, đang chạy với tốc độ 60 km/giờ thì ngay đoạn đường dẫn vào cầu Phú Mỹ, biển báo tốc độ chỉ còn 30 km/giờ trong khi ba làn đường hoàn toàn trống trải, không nằm ở khu dân cư đông đúc. Ngay cạnh đó, một chiếc xe CSGT bắn tốc độ nhưng ngụy trang (cốp sau mở trông giống như một chiếc xe hỏng đang sửa chữa). Đi một đoạn nữa ngay khúc cua, dưới chân cầu xuất hiện hai CSGT đứng chặn xe vi phạm. Cứ mỗi lần đèn tín hiệu bật sang màu xanh là y như rằng tài xế liền bị CSGT “hỏi thăm”. Vừa nộp tiền phạt xong, anh Đỗ Hiếu Nghĩa (một tài xế) tỏ ra bức xúc cực độ: “Đang chạy tốc độ cao (60 km/giờ) mà bắt giảm tốc đột ngột như vậy rồi lại phải đạp ga lên cầu, đố tài xế nào xử lý cho kịp. Biển báo này báo hại tài xế”.
Anh Nguyễn Văn Hiến (một tài xế xe tải) bức xúc: “Ai chẳng muốn tuân thủ luật lệ giao thông. Cứ thử lái xe ở VN xem có dễ tuân thủ luật lệ biển báo giao thông? Điển hình như tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (Q.1), có bảng cấm xe tải quẹo phải bị cây cối che khuất, nhưng đèn tín hiệu giao thông lại cho phép quẹo phải không có bảng phụ (cấm xe tải). Cấm hay không cấm không rõ ràng và mấy anh CSGT cứ thế mà thổi phạt”.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, nhiều tài xế tỏ ra bức xúc, trong đó nhiều nhất thường phàn nàn về những tuyến đường lớn có nhiều làn xe lưu thông như Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh… “Trước mỗi giao lộ chỉ thấy biển báo làn xe con, xe tải, xe trên 30 chỗ… đi thẳng. Bỗng dưng đến gần giao lộ kế tiếp thì làn đường dành cho xe con (làn trong cùng bên trái) chuyển thành làn rẽ trái đột ngột làm xe đang lưu thông đi thẳng không biết phải chuyển làn như thế nào khi bên phải là dòng xe dày đặc. Nếu thắng lại chờ thì bị xe sau bóp còi la ó, nếu đạp ga thì dễ lãnh vé phạt!”, anh Nguyễn Thành Long phản ánh.
Loạn biển báo
Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông (đề nghị không nêu tên) khẳng định: “Biển báo giao thông ở VN hiện nay đầy rẫy bất cập và khó hiểu”. Ông phân tích biển báo “chỗ ngoặt nguy hiểm” không theo thông lệ quốc tế; hay biển “giao nhau với đường không ưu tiên” sao không gọi là biển báo đường ưu tiên cho ngắn gọn, dễ hiểu; hay nhiều nơi cắm biển báo hình tam giác ngược (bên trong không ghi chữ), theo luật đây là biển nguy hiểm giao nhau với đường ưu tiên, phải nhường đường cho xe trên đường ưu tiên như vậy sao không ghi chữ “Nhường đường” (YIELD, hay GIVE WAY) như ở các nước; biển báo tốc độ lâu lâu mới xuất hiện trong khi các nước cứ ba cột đèn lại xuất hiện một biển báo hoặc họ sơn luôn xuống làn đường. Đó là chưa nói đến một số biển báo hình vuông màu xanh nước biển tự “đẻ” thêm trùng với một số biển hình tam giác làm rối rắm thêm tình trạng biển báo hiện nay.
Vị chuyên gia này còn cho biết trên QL 22, đoạn ngã tư Trung Chánh và ngã ba Bùi Môn xuất hiện chữ “STOP” vô lý, vì đây là tuyến đường ưu tiên. Đúng ra, phải đặt chữ “STOP” trên đường không ưu tiên giao cắt với QL 22, để tài xế khi từ đường này ra thì phải dừng lại quan sát trước khi băng ra cho an toàn.
Cũng trên QL 22 (đoạn từ ngã tư An Sương đến cầu vượt Củ Chi, dài khoảng 25 km) chỉ có 1 biển báo duy nhất cho xe con đi chung vào làn xe tải làm nhiều xe ô tô con chen nhau kẹt cứng trên một làn đường không dám tận dụng làn đường ô tô tải đang trống. Ngoài ra, trên một số tuyến đường cắm biển báo khoảng cách giữa xe ô tô trước cách xe ô tô sau 8m (thường xuất hiện ở các trạm thu phí) hay cách 30m ở một số tuyến đường quốc lộ.
Biển báo vậy, theo vị chuyên gia này, rất dễ gây hiểu lầm và hoàn toàn trái với quy định về lái xe an toàn, khoảng cách xe trôi trong thời gian 1 giây (ở tốc độ 50 km/giờ) là 14m, đường ướt là 28m. Thường xe sau thắng chậm hơn xe trước 1 đến 2 giây, để đảm bảo an toàn ở tốc độc 50 km/giờ, khoảng cách an toàn giữa xe sau và xe trước phải là 50m.
“Những bất hợp lý về biển báo trên rất cần được các cơ quan chức năng lưu tâm sớm xem xét, chấn chỉnh nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà chúng ta đang cố gắng thực hiện”, vị chuyên gia này đề nghị.

Cần sửa Luật giao thông đường bộ
Theo LS Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật GTĐB của ta hiện nay có nguồn gốc từ phương tiện giao thông đường bộ trước đây có tốc độ thấp, lượng người và phương tiện ít, thô sơ nên quy định biển báo được đặt về bên phải đường giao thông với các kích cỡ nhỏ. Để biển báo phù hợp với tình hình hiện nay thì cần quy định lại trong Luật GTĐB về vị trí biển báo trên cao, ngang đường, kích cỡ chữ đủ lớn để có thể quan sát từ xa. Kể cả quy định cụ thể số lượng biển báo trước khi đến mục tiêu cần báo, tạo sự chủ động cho người tham gia giao thông và định nghĩa lại các hình vẽ theo tập quán và thông lệ quốc tế để có thể hòa chung vào dòng chảy của thế giới.
 
Nên bỏ bớt những biển báo không theo thông lệ quốc tế như trong ảnh


Nguồn : Thanhnien,online

Phá "Bẫy việt vị" tại ngã năm Cửa Nam

Ngã năm Cửa Nam - Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Khuyến là nơi luôn có những xe vô tình vi phạm luật giao thông bị công an lập biên bản.

 

Một ngã năm rộng rãi với sự giao nhau của 4 con phố Lê Duẩn - Cửa Nam - Hai Bà Trưng - Nguyễn Khuyến luôn là điểm nóng về giao thông vì khu vực này có lưu lượng xe lưu thông khá đông. Vào giờ cao điểm hoặc mỗi khi có tàu đi qua phố Nguyễn Khuyến, ngã năm này thường xảy ra hiện tượng tắc nghẹn giao thông cục bộ.

Tuy nhiên, khi di chuyển qua ngã năm này từ hướng Hai Bà Trưng về Lê Duẩn - Nguyễn Khuyến, khá nhiều lái xe đã bị lực lượng cảnh sát giao thông thổi còi. Nguyên nhân chính ở đây là do người lái xe không chú ý sơn kẻ phân làn tại đoạn giao nhau của phố Hai Bà Trưng và phố Cửa Nam.

Theo thói quen lái xe, khi đi từ phía Hai Bà Trưng về Nguyễn Khuyến, người lái xe thường giữ nguyên làn di chuyển của mình và thường sẽ dừng ở bên trái của dải phân cách liền.

Tuy nhiên, vạch sơn kẻ liền tại đoạn giao nhau giữa Hai Bà Trưng và Cửa Nam lại nhằm hướng dẫn các xe di chuyện từ hướng Hai Bà Trưng về hướng này sẽ phải nhập làn với luồng di chuyển từ phía phố Cửa Nam. Do đó, để được phép đi thẳng Nguyễn Khuyến hoặc rẽ trái sang Lê Duẩn thì người lái xe sẽ đều phải cho xe của mình chạy trong phần vạch sơn kẻ liền bên tay phải của đoạn giao nhau này.

Bất cứ xe nào nằm ngoài phần vạch sơn kẻ liền này sẽ bị lực lượng chức năng phạt theo khoản 3 điểm a của nghị định 34 với lỗi: "Đi không đúng phần đường hoặc làn đường theo quy định". Với lỗi này, người lái xe có thể sẽ phải nộp phạt từ 1.000.000  đến 1.400.000 VNĐ.

Mũi tên đỏ chỉ xe đỗ sai vạch, mũi tên xanh chỉ xe đỗ đúng vạch

Để tránh đi sai luật khi qua ngã năm này, khi di chuyển đến đoạn giao nhau giữa Hai Bà Trưng và Cửa Nam, các bạn cần phải chú ý chuyển làn vào phần kẻ vạch sơn để tránh vi phạm luật.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Cẩn thận với "bẫy" giao thông trên đường Phạm Hùng

(PL&XH) - Có ý kiến cho rằng, đây là cái bẫy giao thông vì biển báo đường chỉ dành cho xe máy, xe đạp quá nhỏ, màu xanh (chứ không phải biển đỏ cấm ô tô), CSGT không đứng ở đầu đường mà đứng ở cuối đường
Một số người dân tham gia giao thông ở khu vực phố Trần Duy Hưng, Phạm Hùng phản ánh, rất nhiều người điều khiển ô tô bị phạt nặng, thậm chí giữ bằng lái vì phạm lỗi đi vào đường cấm khi rẽ từ phố Trần Duy Hưng sang đường Phạm Hùng (ảnh).


Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ rõ: Thứ nhất, người lái xe ô tô thiếu quan sát hoặc không kịp quan sát; thứ hai, đầu đường rẽ có biển xanh chỉ dẫn chỉ dành cho xe đạp và xe máy nhưng khá nhỏ và ở dưới tán cây khó quan sát mà đường lại rất rộng nên nhiều lái xe vô tư điều khiển xe đi vào. Và hầu hết các loại ô tô đi vào đường này đều bị CSGT đứng ở cuối lối rẽ, đầu đường Phạm Hùng tuýt còi…
Có ý kiến cho rằng, đây là cái bẫy giao thông vì biển báo đường chỉ dành cho xe máy, xe đạp quá nhỏ, màu xanh (chứ không phải biển đỏ cấm ô tô), CSGT không đứng ở đầu đường mà đứng ở cuối đường… Và mỗi ngày có hàng chục người… vi phạm song chỉ biết tự trách mình không dừng hẳn xe lại để quan sát?!


Nguồn : Minh Đạo( Baomoi)

Những biển báo 'bẫy' người giao thông

Ngã tư Kim Ngưu - Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đèn tín hiệu đang màu xanh, xe máy do người đàn ông trung niên điều khiển bất ngờ bị cảnh sát chặn lại. Bị lập biên bản, chủ xe ngỡ ngàng vì chẳng biết phạm lỗi gì.
Chỉ trong 15 phút sáng 12/7, tại ngã tư Kim Ngưu - Minh Khai có 5-6 người đi xe máy bị cảnh sát giao thông giữ xe, kiểm tra giấy tờ. Người đàn ông điều khiển chiếc xe Wave nói: "Đèn xanh tôi mới chuẩn bị vượt ngã tư, tại sao lại phạm luật?". Trong khi đó, trung úy cảnh sát giao thông giải thích là đi vào đường cấm.
Những biển báo bẫy người giao thông
Nhiều người khi chuẩn bị băng qua nút ngã tư thì bị cảnh sát giao thông giữ lại. Ảnh: Xuân Tùng
Theo tìm hiểu của VnExpress.net, khoảng 10 m đoạn cuối đường Kim Ngưu tiếp giáp với ngã tư có một biển cấm đi ngược chiều được dựng lên cùng dải phân cách chia đôi tuyến đường nhỏ hẹp làm đôi. Đoạn đường cấm quá ngắn, ngay sát đèn tín hiệu giao thông và dù cấm đi ngược chiều, nhưng xe buýt vẫn được phép lưu thông nên nhiều người đi xe máy vẫn theo xe buýt để vượt qua ngã tư và không biết mình phạm luật.
Một số người dân sống gần ngã tư cho biết, cách đây nửa năm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho dựng một dải phân cách cứng giữa tim đường Kim Ngưu và cầu Mai Động sang Minh Khai để phân làn, tránh ùn tắc. Sau đó vài tuần, một biển cấm đi ngược chiều được dựng lên và mỗi ngày có hàng chục người đi xe máy bị xử phạt vì đi ngược chiều.
Những biển báo bẫy người giao thông
Một biển cấm như bẫy người tham gia giao thông tại nút ngã tư Mai Động - Minh Khai. Ảnh: Xuân Tùng
"Đoạn đường cấm chỉ dài chừng 10 m, lại ngay cột đèn điều khiển giao thông cho nên nhiều người đi theo thói quen cứ lao xe qua. Cách phân làn như thế chẳng khác gì bẫy người giao thông", chị Tín, bán hàng nước đầu ngã tư cho biết.
Không chỉ nút ngã tư Kim Ngưu - Minh Khai, nhiều tài xế ôtô khi từ đường Giải Phóng rẽ vào đường Nguyễn Hữu Thọ để vào bán đảo Linh Đàm (Hà Nội) cũng búc xúc vì việc cắm biển báo của ngành giao thông.
Đầu đường Nguyễn Hữu Thọ, tiếp giáp với đường tàu, ngành giao thông cho cắm biển cấm với nội dung: cấm xe tải đến 1,25 tấn từ 6h đến 8h30 và từ 16h30 đến 22h; cấm xe tải trên 1,25 tấn đến 2,5 tấn thời gian 6h-20h; cấm xe tải trên 2,5 tấn đến 10 tấn thời gian 6h-21h. Trong khi đó, xe tải có tải trọng trên 10 tấn, xe siêu trường, siêu trọng, xe du lịch lại được hoạt động theo giấy phép do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp.
Cách cắm biển cấm tại đây cũng bất hợp lý. Biển cấm là của đường Nguyễn Hữu Thọ, nhưng lại được cắm trên mặt đường Giải Phóng, nằm cách xa đầu đường Nguyễn Hữu Thọ 3 m và không có biển báo từ các ngã rẽ. Phải đi vào đường Nguyễn Hữu Thọ 200 m mới có biển cấm. Việc này khiến cánh tài xế chạy xe từ hướng Giải Phóng - Ngọc Hồi, nếu để ý quan sát mới biết có biển cấm, còn cánh tài xế chạy từ Ngọc Hồi ngược lên không thể nhìn thấy nên cứ điều khiển xe đi vào và bị cảnh sát giao thông thổi phạt.
Biển cấm trên tuyến phố Nguyễn Hữu Thọ được cắm quá xa, khiến tài xế không nhìn thấy nên vẫn đi vào. Ảnh: Xuân Tùng.
Chiều 14/7, hàng chục xe tải vượt quá trọng tải cho phép vẫn hướng từ Ngọc Hồi cắt ngã ba Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ đi vào mà không hề biết đang đi vào đường cấm.
"Các ngã rẽ đều không có biển báo, đầu đường cũng không thấy có biển nào nên chúng tôi đi vào. Chạy được hơn 200 m sâu vào gần khu đô thị Linh Đàm mới thấy biển cấm xe tải và khách. Không biết đơn vị nào cắm biển, nhưng thế này chẳng khác gì đánh bẫy cánh tài xế", một tài xế xe tải cho biết.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hệ thống biển báo giao thông được cắm trên các tuyến đường có thể hợp lý vào thời điểm này, tuy nhiên đến lúc nào đó sẽ không hợp lý. Cũng không loại trừ một số trường hợp biển cắm sai vị trí, sai hướng.
"Những phản ánh của người tham gia giao thông, tài xế về việc cắm biển sai là rất quý, Sở sẽ tập hợp lại sau đó kết hợp cùng với ngành công an rà soát, nếu thấy biển nào không hợp lý sẽ cho điều chỉnh", ông Tân khẳng định.

Nguồn : Xuân Tùn( Tin24/7)

Pha Bình Luận giao thông không thể đỡ được

Ngựa ô... thu phí - Bài hát về hiện trạng thu phí giao thông tại Việt Nam

Nếu chống được ùn tắc, tôi sẽ đi tù!

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đưa ra đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân. Theo đó, xe máy sẽ phải đóng phí 500.000 - 1 triệu đồng/năm. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT, việc thu phí này hoàn toàn không khả thi, chẳng khác nào "tấm vải có 1m đòi đi may bộ váy cưới cho cô dâu".


a
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ

Hoàn toàn không khả thi


Thưa ông, Bộ GTVT vừa đưa ra đề xuất sẽ thu phí lưu hành phương tiện cá nhân. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?


Tôi xin khẳng định là việc thu phí này không hề khả thi, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM. Bộ trưởng nói rằng, mục đích thu phí lưu hành phương tiện này là nhằm làm giảm phương tiện cá nhân, lấy nguồn tiền đó để nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông, từ đó giảm ùn tắc. Tôi cho rằng, đó là điều không tưởng.


Vì sao ông lại cho là không tưởng?


Bởi lẽ, trên thực tế, xe máy là phương tiện phổ biến nhất ở ta hiện nay. Với rất nhiều hộ gia đình, đó là chiếc cần câu cơm theo đúng nghĩa. Tôi đi công tác TPHCM, đến thăm một gia đình vợ chồng đều là công nhân, chỉ có một chiếc xe máy cà tàng ngày ngày vợ chồng chở nhau đi làm, tan ca chiều chồng tranh thủ đi chở xe ôm.


Họ có cô con gái chừng 3 tuổi nhưng tìm mãi trong nhà ấy không có nổi một chiếc vỏ hộp sữa nào. Nếu tính ra, vợ chồng đó chỉ phải trả chưa đến 50.000đ tiền phí trong một tháng thì cũng không phải là quá lớn. Nhưng tiền đó có thể mua được khoảng chục hộp sữa tươi cho cháu bé cơ đấy! Khi cái ăn của người ta còn chật vật thì việc đẻ thêm một loại phí càng khiến cuộc sống của họ túng quẫn hơn. Nhưng khi Nhà nước bắt buộc thì họ phải tuân theo, còn có nhận được sự đồng thuận hay không lại là chuyện khác.


Còn nữa, với những người có điều kiện, bỏ ra hàng trăm triệu để mua ô tô thì tiền phí dù có là mấy chục triệu cũng không thấm gì so với họ.


Nếu chống được ùn tắc, tôi sẽ đi tù!


Nói như thế thì rõ ràng phí này là hoàn toàn không phù hợp?


Không phù hợp quá đi chứ! Tôi đảm bảo dù có đóng phí cao hơn nữa thì người ta vẫn sẽ đi, vì nhu cầu bức thiết của cuộc sống, họ không còn lựa chọn nào khác.


Sao lại không còn lựa chọn khác? Người dân có thể đi bộ hoặc là đi xe bus cơ mà?


Nếu bạn đi với quãng đường dưới 5km có thể đi bộ được, nhưng cũng là bất khả kháng thôi. Còn đi xe bus à? Đến chính Bộ trưởng đưa ra yêu cầu mỗi cán bộ, nhân viên của Bộ phải đi làm ít nhất 1 lần/tuần bằng xe bus, thế rồi có thực hiện được đâu? Vì chất lượng chưa ổn: Xe bỏ bến, vào giờ cao điểm luôn phải chứa vượt số người quy định, phải chờ đợi dưới khói bụi, tắc đường... Trong trường hợp cần kíp phải đi nhanh thì xe bus không thể là lựa chọn. Còn với những người hành nghề xe ôm, người chở rau vào nội thành bán, không có xe máy nghĩa là cả gia đình họ bị đói. Do đó, tôi chắc chắn đề xuất này không hiệu quả.


Ông có bi quan quá không? Vì để đưa ra đề xuất này, người ta cũng phải nghiên cứu, có tính toán cụ thể chứ
?

Tôi lấy danh dự là người có mấy chục năm giảng dạy, nghiên cứu về giao thông, tham gia lập nhiều dự án giao thông cho các đô thị ở Việt Nam để khẳng định điều đó. Các ông đưa ra đề xuất đó có dám cược không? Tôi sẵn sàng cược: Nếu việc thu phí lưu hành này hạn chế phương tiện cá nhân và chống được ùn tắc, tôi sẽ chịu mọi sự trừng phạt của pháp luật, kể cả đi tù.


Nhưng chẳng lẽ người ta lại không biết được điều đó?


Tôi nghĩ là họ biết.


Vậy tại sao họ vẫn đưa ra?


Có thể họ bắt chước nước ngoài, tưởng họ làm được thì mình cũng làm được. Thứ hai là có thể bí giải pháp thì đành phải đưa ra để cho mọi người và đặc biệt là Trung ương thấy rằng tôi rất cố gắng đấy chứ, năng động và sáng tạo đấy chứ? Còn giải pháp đó có hợp lý hay không thì không cần biết. Đã thấy có ai lên tiếng chịu trách nhiệm rằng nếu thu được phí mà còn ách tắc thì sẽ từ chức đâu? Bản chất giao thông của ta chẳng khác gì anh có 1m vải mà cứ đòi may cả chiếc váy cưới cho cô dâu. Đừng mong như thế! Tiếc là các nhà quản lý của ta vẫn đang nuôi tham vọng này.


Phải đánh phí những ông quản lý


Theo Bộ trưởng, việc thu phí này nhằm đảm bảo công bằng xã hội, những người đi ô tô, xe máy phải nộp phí để cùng Nhà nước đầu tư tái tạo hạ tầng giao thông. Ý kiến của ông thế nào?


Tôi đồng tình là cần đảm bảo công bằng xã hội, ở đó người giàu cần phải chia sẻ với người nghèo. Thế nhưng, nói rằng việc thu phí này đảm bảo công bằng xã hội thì tôi không biết công bằng kiểu gì, ở đâu? Nếu công bằng thì phải thực hiện đồng loạt trên cả nước chứ, với cả người đi bộ, đi xe đạp nữa, vì anh cũng đi trên đường do Nhà nước xây dựng, cải tạo cơ mà!


Nhưng ở các thành phố lớn thì giao thông mới phức tạp, hay ùn tắc cơ mà?


Phức tạp, ùn tắc là do đâu? Do ông quản lý chứ. Nếu việc đánh phí nhằm vào những phương tiện gây ra ùn tắc thì tôi cho rằng phải đánh phí những ông quản lý trước tiên.


Đánh phí nhà quản lý?


Đúng vậy. Ở ta có kiểu không quản lý được thì cấm, không thì thu phí. Phí đẻ ra phí. Cuối cùng người dân vẫn gánh chịu nhiều nhất, trong khi trách nhiệm quản lý thì lại không rõ ràng. Đó là bất cập mà bao lâu rồi chưa khắc phục được.


Nếu giải pháp thu phí không khả thi thì để hạn chế được ùn tắc và giảm phương tiện cá nhân, theo ông cần phải làm gì?


Theo tôi, vào giờ cao điểm nên cấm tất cả xe taxi, xe rác thô sơ, đỗ xe dưới lòng đường, xe ô tô con. Đường khi đó chỉ dành cho xe buýt và xe máy. Phải nghiên cứu ách tắc từng nút, từng đường một, để đưa ra những giải pháp cụ thể. Việc thi công đường cần diễn ra ban đêm, ban ngày trả lại mặt đường cho người dân. Phải phát triển và nâng cao chất lượng xe bus. Khi đó mới hy vọng giảm được phần nào ùn tắc và phương tiện cá nhân.


Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất thẳng thắn này.


Vũ Thủy
(thực hiện)
Nguồn : Bee,net

Tầm nhìn và chính sách giao thông

- Việc đi lại của người dân từ lâu đã thành nếp sống, nên thay đổi giờ giấc có nghĩa là phải thay đổi cả một thói quen văn hóa, việc này rất khó! Nếu thực hiện, sinh hoạt của cộng đồng liệu có xáo trộn, và liệu tắc đường sẽ hết? Và, sau ngày thực hiện đầu tiên (1-2-2012), tình hình giao thông ở Hà Nội có vẻ chưa mấy khả quan, thời khắc cao điểm nhiều nơi vẫn ùn tắc như thường!
Còn nhiều bế tắc cho bài toán giao thông. Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
Cuối năm 2011, Bộ GTVT đã có văn bản chính thức trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất điều chỉnh giờ làm, giờ học, nhằm giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Ý tưởng này không mới, và đã có thêm nhiều trao đổi để thống nhất với chủ trương của UBND TP Hà Nội trước khi thực hiện, lúc đó dư luận xã hội có rất nhiều ý kiến, thậm chí trái chiều, chứng tỏ chuyện tắc đường không chỉ ở giờ học, giờ làm.
Khái niệm “giờ cao điểm” ở Hà Nội muốn nói tới giờ tan tầm, giờ đi học và đi làm. Ngoài thời gian này, đi lại ở thủ đô nhìn chung là chấp nhận được. Vậy giãn giờ đi làm, đi học và tan tầm phải chăng sẽ tạo ra hiện tượng “kéo dài giờ cao điểm”, tức là lúc nào Hà Nội cũng nằm trong “nguy cơ” tắc đường?
Hà Nội có khoảng nửa triệu cán bộ công chức hưởng ngân sách Nhà nước, khoảng 70% trong số họ phải đưa đón con cháu vào giờ cao điểm. Nếu như 9h họ đi làm thì 7h vẫn phải đưa con cháu đi học, tức là vẫn ra đường vào giờ cao điểm, sau đó chẳng lẽ lại về nhà ngồi đợi 1 tiếng để đến giờ đi làm. Nếu như thế số lần ra đường không giảm, thậm chí tăng 2-3 lần/ngày, trong khi giá xăng đâu có rẻ.
Suy cho cùng vấn đề ùn tắc giao thông không thể tư duy mãi theo kiểu “quả trứng-con gà”, tức cần phải có tầm nhìn. Nhưng tầm nhìn ấy nhiều khi là “tầm nhìn nhiệm kì”, nên không được dài hơi lại nhanh lạc hậu. Khi giải pháp tình thế dễ làm, mà tầm nhìn lại thiếu và yếu, xem ra lúc này tốt hơn là “gom” các giải pháp tình thế thành một giải pháp tổng thể. Mỗi thứ làm giảm ùn tắc “một tý” kể cũng tốt!
Ở ta rất thích dùng từ “cấm”, cấm xe con để phải đi xe bus, mới đây là cấm cán bộ giao thông chơi gôn, và tương lai là cấm xe máy vào nội thành…Cấm đôi khi còn là biểu hiện của sự bế tắc trước một việc gì đó. Cách ứng xử “không quản được thì cấm” đã từng bị phê phán vì hiệu quả kém và mang tính áp đặt. Trong cuộc sống, cấm là cần thiết nhưng không nên lạm dụng, vì có thể gây phản ứng ngược, mà sợ nhất là lòng dân không nghe.
Một số ý kiến đổ lỗi cho xe máy là gây ùn tắc, trong khi ô tô chiếm 10% số phương tiện mà chiếm dụng 56% diện tích lòng đường. Và giờ đây học sinh, công chức cũng là tác nhân của ùn tắc. Nhưng rất ít “cán bộ” nói ùn tắc là do lỗi của quy hoạch, hay cụ thể hơn là sự yếu kém về tầm nhìn của nhà chức trách. Để giải quyết ùn tắc giao thông, cần một hạ tầng mới và một tầm nhìn chiến lược. Mà như thế, chưa biết đến bao giờ!
“Gốc” của an toàn giao thông là quy hoạch đô thị, di dân, tạo việc làm, từ giáo dục…, lại chẳng thấy bộ nào phát động như một phong trào cả. “Thiếu đồng bộ” chẳng mấy chốc đã “đẻ” ra một “vòng luẩn quẩn”, hao người, tốn của, rồi “điệp khúc” an toàn giao thông năm nào cũng cất lên, lặp đi lặp lại. Sau đó, ngành giao thông lại long trọng tổng kết. Kết quả: người vi phạm vẫn vi phạm, bọn đua xe vẫn đua, tắc đường triền miên... Hình như còn thiếu rất nhiều các giải pháp cơ bản để đẩy lùi tai nạn giao thông?
Nguồn : Ngô Quốc Đông ( Bao Haiquan)

Những tấm biển báo giao thông bị vô hiệu hóa !


 

(HNM) - Biển báo giao thông (cùng với hệ thống đèn tín hiệu, vạch kẻ đường...) là một trong những công cụ tham gia vào công tác đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường phố, đô thị.
Thành phố đã và đang chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ trong đó chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường, bổ sung đèn tín hiệu, biển báo giao thông. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống biển báo giao thông trên nhiều tuyến đường phố đang bị... vô hiệu hóa. Xin nêu một vài ví dụ:
Tại ngã tư phố Ngô Quyền - Tràng Tiền, có một tấm biển báo cấm đỗ xe, song cách biển báo này chỉ 5-7 mét, ngành GTCC lại cho phép nhiều điểm đỗ xe của một số doanh nghiệp nên xuất hiện tình trạng biển nọ “đá” biển kia, hậu quả là hàng dãy xe ô tô con đỗ rất tự nhiên. Trên tuyến phố Bà Triệu, đoạn trước cửa trụ sở Tạp chí Nhân đạo - cơ quan của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng có một tấm biển báo cấm đỗ xe. Thế nhưng tại khu vực này lại có hàng chục xe ô tô con đỗ suốt ngày đến nỗi cơ quan này phải tự tạo thêm một tấm biển “Cấm đỗ xe trước cửa cơ quan” đặt ngay dưới lòng đường song cũng không thể ngăn chặn được (ảnh 1). Tại khu vực quảng trường ga Hà Nội phía đường Lê Duẩn, nhiều biển báo cấm đỗ xe được gắn trên cột điện trước cửa ga song nhiều chủ phương tiện vẫn làm ngơ khiến nơi đây thường xuyên lộn xộn. Để phục vụ nhu cầu thi công các hạng mục công trình cải tạo, nâng cấp nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt, cơ quan chức năng đã đặt biển báo tại khu vực đầu đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (về phía ngã tư Kim Liên), phân luồng ô tô, xe máy đi riêng nhằm hạn chế ách tắc giao thông, song đa số người điều khiển phương tiện không chấp hành, dòng xe máy vẫn đi lấn vào đường dành cho ô tô. Tại đầu phố Phạm Ngọc Thạch (cách điểm giao cắt với đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa khoảng 30 mét, phía ngoài Trường tiểu học Phương Liên) có một biển báo cấm đi ngược chiều, nhưng nhiều người điều khiển xe máy vẫn làm ngơ, cố tình đi ngược chiều (ảnh 2).
Tình trạng không chấp hành biển báo giao thông, vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện nêu trên còn diễn ra rất phổ biến tại nhiều tuyến đường khác trên địa bàn thành phố, vô hình trung làm vô hiệu những tấm biển báo này, khiến TTGT càng thêm lộn xộn.
Đề nghị các ngành chức năng của thành phố cần khảo sát lại hệ thống biển báo, dỡ bỏ những biển báo bất hợp lý, đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm.



Bài, ảnh:
Nguyễn Cao

Những tấm biển chỉ dẫn kiểu “đánh đố”

Thời gian qua, nhiều người tham gia giao thông trên một số tuyến đường qua địa bàn huyện Bình Lục và Lý Nhân (Hà Nam) rất khó chịu khi chứng kiến những biển báo chỉ dẫn nửa vời, đánh đố người đi đường.

Trên đoạn đường tỉnh lộ đoạn qua thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân có hai biển báo chỉ dẫn có kích cỡ lớn nhưng cả hai biển đều không có ghi thông tin trên biển báo, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Hai tấm biển nói trên không hề có ký hiệu tên tuyến đường phía trước hay ký hiệu số km.
Biển báo nằm trên tuyến quốc lộ 21, đoạn qua thị trấn Lý Nhân, huyện Lý Nhân
Xuôi về hướng huyện Bình Lục, tại ngã tư xã Công Bùi, biển báo chỉ dẫn nằm ở ngã tư Công Bùi cũng chung tình trạng nói trên. Đây là tuyến đường giao thông trọng điểm của huyện Bình Lục, thế nhưng tấm biển báo chỉ dẫn lại không hề có tác dụng. Biển báo sinh ra là để chỉ dẫn giúp thuận tiện cho người đi đường, thế nhưng các biển báo này chỉ đứng cho đẹp chứ không hề giúp ích được gì cho người tham gia giao thông.
Tấm biển nằm gần ngã tư xã Công Bùi, huyện Bình Lục
Chị Lê Thị Thu, người dân thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân bức xúc: “Ai đi đường nhìn thấy biển báo này cũng thắc mắc, chính chúng tôi, những người sống ở đây cũng vô cùng bức xúc và thấy “chướng mắt” trước những biển báo vô tác dụng ấy. Cũng đã có người dân đã ý kiến lên lãnh đạo địa phương rồi nhưng mãi chẳng thấy ai về kiểm tra sửa chữa”.
Biển báo đường nằm nghiêng ngả, méo mó
Ngay tại đoạn đường Quốc lộ 1A giao nhau với đường Lê Hoàn, thành phố Phủ Lý cũng có những biển chỉ dẫn tuyến đường nằm nghiêng ngả, tên các con đường bị che khuất, méo mó. Mặc dù những tấm biển kiểu này nằm trơ trơ như thế nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa sửa chữa gây phản cảm cho người đi đường.
Nguồn : Cao Tuân - Duy Tuyên (Báo dantri)

Vấn nạn tắc đường ở thủ đô

Tuyến phố Vương Thừa Vũ dài khoảng hơn 1 km, từ đường Trường Chinh đến ngã ba Hoàng Văn Thái, chiều ngày 20-10 vừa qua người đông như chảy hội. Lòng đường, vỉa hè, không còn chỗ len chân. “Dòng sông” người phố Vương Thừa Vũ cứ dậm chân tại chỗ hơn bốn giờ đồng hồ.


Lí do: tắc đường. đây là kỉ lục ở cái khu phố này. Thực ra, phố này ngày nào chả tắc đường. Sáng tắc, chiều tắc vào giờ đi làm và tan tầm. Vì cứ khoảng từ 5 giờ đến 6 giờ, đường đã hẹp lại đi hai chiều, một bên chiếc xe rác to đùng, một bên chiếc xe ba gác thu gom rác đỗ chềnh ềnh, anh công nhân vệ sinh từ từ nhặt từng túi rác bỏ vào xe và chậm rãi đẩy chiếc xe lăn đi từng đoạn một. Thế là xe nọ phải chờ xe kia. Ô-tô, còn xe máy, xe đạp mạnh ai nấy đi.
Năm 2007, người ta phân luồng, phố Vương Thừa Vũ chỉ cho xe ô-tô đi một chiều từ ngã ba đường Trường Chinh rẽ vào, nên không mấy khi ùn tắc. Sang năm 2008, người ta lại dỡ biển cấm đi ngược chiều, thế là nạn ùn tắc thường xảy ra.
Hiện tượng ở phố Vương Thừa Vũ chỉ là một điểm tắc cục bộ.
Những năm 80 thế kỉ XX trở về trước ở Hà Nội ít khi người ta gặp cảnh “tắc đường” trừ vài điểm có công trường xây dựng. Có chăng chỉ xảy ra ở cầu Long Biên, rồi dần dà lấn sang cầu Chương Dương. Còn bây giờ, chuyện tắc đường trở thành “cơm bữa”, không ở đường này thì đường khác.
Người ta cũng bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của, công sức để tìm ra nguyên nhân. Nào báo chí lên tiếng, nào hội thảo, hội nghị, rồi cả Nghị quyết này, Quyết định khác, nhưng tắc đường vẫn triền miên. Hầu như mọi ý kiến đều nghiêng về đổ lỗi cho kết cấu hạ tầng. chưa đáp ứng được rồi ý thức của người dân chưa chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. Nhưng có một nguyên nhân khác mà lâu nay ít người nhắc tới. Đó là quy hoạch.
Hà Nội ngày xưa làm gì có nhà cao bảy, tám tầng. Có người còn cho rằng, nền đất Hà Nội yếu, không thể xây cao quá sáu tầng. Còn bây giờ, nhà mười lăm, hai mươi tầng nhan nhản. Sắp tới Hà Nội còn có nhà cao nhất Đông Dương. Hà Nội phát triển, Hà nội to đẹp ai cũng tự hào. Song, nhìn lại, thấy Hà Nội chật chội quá, chắp vá quá. Hà Nội ngày xưa người ta quy hoạch chỉ cho khoảng vài trăm nghìn người. Bây giờ Hà nội bao trùm cả Hà Tây, dân số trên sáu triệu người. Dân số tăng, tất yếu dẫn đến chuyện các phương tiện đi lại tăng.

Tắc đường ở Hà Nội
Ngày xưa, các khu trung tâm Hà Nội như quận Hoàn Kiếm, Ba đình mấy khi tắc đường, bởi các khu vực này làm gì có nhà cao mươi mười lăm tầng. Không có nhà cao tầng, không phát sinh dân số, không tăng các phương tiện giao thông. Việc quy hoạch giao thông các khu trung tâm này hợp lí. Tất cả các con đường đều cho xe đi một chiều. Dòng chảy giao thông vì thế mà không bị ùn tắc. Việc bố trí các cơ quan hành chính, tài chính, dịch vụ cũng tập trung ở trung tâm làm cho mật độ giao thông tăng lên. Đành rằng Hà Nội phát triển phải có nhiều nhà cao tầng, phải tập trung các trung tâm kinh tế. Đó cũng là quy luật của quá trình đô thị hoá.
Hà Nội vào thập niên chín mươi của thế kỉ XX chắc cũng chưa đến nỗi khan hiếm đất đai. Giả sử, việc quy hoạch Hà Nội có tính đến chuyện tắc đường, thì ngày nay đâu phải lo chuyện đường sá. Giả sử ngày ấy, việc quy hoạch các nhà cao tầng tại các khu trung tâm ít đi, thì việc đi lại ngày nay đâu phải lo chuyện tắc đường. Hà Nội cũng đã xây dựng nhiều khu dân cư cao tầng. Khu Linh đàm, Định Công, Bắc Thăng Long, Nhân Hoà, Trung Chính, Nam Trung Yên, làng quốc tế Thăng Long, Mỹ Đình v.v... nhà cao tầng xếp hàng thẳng tắp. Nhưng chuyện tắc đường lại xảy ra. Kinh tế phát triển. Đời sống người dân được nâng lên. Nhu cầu về các phương tiện đi lại tăng lên. Bây giờ người Hà Nội ít đi xe đạp. Đi xe máy là chuyện bình thường. Còn số lượng ô-tô thì tăng lên mỗi năm. Các khu dân cư nói trên không hiểu mươi năm nữa còn chỗ cho người có xe ô-tô đỗ. Đành rằng lúc này, nhu cầu cấp thiết và quan trọng nhất vẫn là làm sao có nhiều căn hộ để tái định cư. Các nhà đầu tư bất động sản, cái tính toán đầu tiên vẫn là kinh tế. Xây được nhiều nhà, có được nhiều căn hộ mới có lãi. Khi xây dựng các khu dân cư, hẳn các nhà quy hoạch, xây dựng đã tính toán được số dân sẽ đến ở, số hộ gia đình, số người lớn, trẻ em, nhu cầu sinh hoạt, đi lại, việc học hành, cơm nước, chợ búa của người dân. Nếu những nhu cầu thiết yếu của người dân ơ các khu dân cư này được đáp ứng tại chỗ thì chắc rằng nạn tắc đường không lan toả và đến nỗi trầm trọng như hiện nay. Bây giờ sáp nhập Hà Tây và Hà Nội, thì thấy người đổ về trung tâm Hà Nội tăng lên nhiều so với người Hà Nội vào Hà Đông làm việc, thêm một tác nhân tắc đường.
Việc quy hoạch giao thông ở những khu mới thành lập như quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên v.v… nếu được tính toán khoa học, hợp lí thì dòng chảy giao thông sẽ thông suốt. Nên chăng, các con đường đều cho xe ô-tô chạy một chiều.
Hà Nội bây giờ đất nhiều hơn, nhiều khu dân cư mới sẽ hình thành, nếu cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, trường học, bệnh viện … không được tính toán cho tương lai xa hàng thế kỉ, thì rồi nạn tắc đường không biết dến bao giờ mới giải quyết xong

Nguồn: Vũ Xuân Thực ( Báo nguoicaotuoi)

Hà Nội bao giờ hết tắc đường?

Không chỉ Hà Nội mà tại nhiều thành phố lớn của các nước đang phát triển ở châu Á, tắc đường đã trở thành chuyện “cơm bữa”. Mặc dù đã có nhiều hội thảo, công trình nghiên cứu mong tìm lời giải cho vấn đề này, nhưng khi nào Hà Nội không còn tắc nghẽn giao thông, câu trả lời vẫn bỏ ngỏ.



Phương tiện giao thông tăng từ 12-15%/năm

Tại hội thảo “Quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông công cộng - Thách thức chính cho tương lại đô thị” do Viện Goethe Hà Nội tổ chức sáng 23/6, Thạc sỹ Lê Vinh - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, cho hay: Hiện thủ đô có 583 tuyến đường do Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội quản lý với tổng chiều dài khoảng 1.178 km.


Tắc đường là nguyên nhân của nhiều hệ lụy không tốt

Trong khi Hà Nội đang có khoảng 3,7 triệu xe máy và 400.000 xe ô tô lưu thông hàng ngày, mỗi tháng địa phương này lại có thêm từ 26.000-30.000 xe máy được đăng ký mới và lượng ô tô là 4.000-6.000 chiếc. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các phương tiện giao thông là từ 12-15%/năm.

Phương tiện vận tải công cộng hiện nay là xe buýt mới chỉ đáp ứng được 9% nhu cầu đi lại của người dân. Kéo theo điều này là tình trạng tắc nghẽn diễn ra tại hầu hết các tuyến phố trong giờ cao điểm.

Về nguyên nhân, theo ông Vinh, không phải do Hà Nội thiếu quy hoạch đối với mạng lưới giao thông mà là hệ thống giao thông đô thị tại đây đang bị quá tải trước tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng dân số quá nhanh.

“Từ quy hoạch có khi phải mất 8 năm một con đường mới có thể hình thành trong thực tế”, ông Vinh dẫn giải. Vì vậy, đây là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Một yếu tố khác góp phần vào thực trạng này là ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao. “Hãy cứ đi!” là đặc điểm điển hình của những người điều khiển các phương tiện giao thông tại Hà Nội”, TS. Michael Bose - Chuyên gia quy hoạch đô thị của Đức, nhìn nhận.

TS. Khuất Việt Hùng - Trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải của trường Đại học Giao thông Vận tải, cho rằng giao thông phụ thuộc vào xe máy là một đặc điểm nổi bật tại nhiều thành phố lớn ở nước ta. Do đó, không thể xoá bỏ xe máy do phương tiện này khá phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu đi lại của người dân.

Quy hoạch đã có nhưng…

Trong khi đó, hiện nay quy hoạch thủ đô cũng chưa có được câu trả lời, rằng thời gian tới các phương tiện công cộng sẽ chủ yếu dựa vào ô tô hay tàu điện.

Thêm vào đó, quy hoạch giao thông chỉ được xem là một quy hoạch chuyên ngành trong quy hoạch tổng thể của thành phố. Như vậy, sẽ rất khó có được nguồn kinh phí đủ lớn cho thu thập và xử lý thông tin, để quy hoạch không bị lạc hậu so với thực tế.


Tất cả phương án vẫn ở trên giấy

Tiếp đến là vấn đề làm sao thuyết phục người dân sử dụng các phương tiện công cộng này, khi mà mức chi phí cao hơn khá nhiều so với việc sử dụng xe máy.

Để giải quyết vấn đề này, ông Vinh đề xuất cần tập trung xây dựng các đường vành đai cũng như hệ thống cầu bắc qua sông Hồng để thành phố phát triển ở cả hai bên bờ sông thay vì chỉ một phía như hiện nay.

Với kinh nghiệm của mình, TS. Yiemchai Chatkeo - Nguyên Phó Giám đốc điều hành cơ quan quản lý các phương tiện vận chuyển số đông của Thái Lan, gợi ý Hà Nội nên phát triển theo hướng đa trung tâm thì mới mong giảm bớt tình trạng quá tải hiện nay.

Song, tất cả điều này vẫn còn trên giấy.

Nguồn : (Tamnhin.net) -

Tàu đang chạy rơi cửa toa, nhân viên không biết?

Tàu đang chạy rơi cửa toa, nhân viên không biết?
Lúc 17 giờ chiều ngày 25/8, trong lúc đi tuần đường bảo vệ đường sắt, nhân viên tuần đường Phan Ngọc Tú (Công ty QLĐS Nghệ Tĩnh) đã phát hiện hai cánh cửa toa xe khách rơi trên đường sắt cách nhau 3km.
Đang đi tuần, bỗng thấy một tấm bảng dài nằm gần đường sắt tại km 262 + 300, anh Phan Ngọc Tú phát hiện đó là một cánh cửa của toa tàu Thống nhất có đầy đủ ổ khóa, chốt làm bằng khung sắt, mặt foocmica dày khoảng 6 ly, cánh cửa dài khoảng 2 mét, rộng 70 phân.
Thấy hiện tượng lạ, vì cánh cửa nặng khoảng 30 kg, một mình không bê nổi nên anh Tú đã gọi cô Nguyễn Thị San nhân viên gác chắn gần đó để cả hai cùng khênh vào. Đi tiếp đến điểm giao ban cuối, anh Tú lại hốt hoảng vì từ xa lại phát hiện thêm một cánh cửa khác nằm trên mặt ray tại km 259 + 500 địa bàn xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Để đảm bảo an toàn chạy tàu nên anh Tú đã khẩn trương vần cánh cửa ra khỏi lòng đường sắt, sau đó nhờ người khênh về đơn vị.
Được biết tại thời điểm anh Tú nhặt được hai cánh cửa trên chỉ có duy nhất đoàn tàu Thống nhất số hiệu TN1 đang chạy qua khu gian này trên đường từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Việc một đoàn tàu đang chạy tốc độ cao rơi hàng hóa, vật cản trên tàu xuống đường sắt là nguy cơ đe dọa đến an toàn chạy tàu. Ngoài việc vật cản này rơi vào lòng đường sắt gây trật bánh tàu thì còn có thể rơi trúng vào nhân viên đường sắt khi đi tuần. Đề nghị ngành Đường sắt cần kiểm tra tổ công tác trên tàu TN1 ngày 25/8 để có biện pháp chấn chỉnh.
Nguồn : Xuân Bảy ( Báo GTVT)

Thông xe đường tạm tránh qua “hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương

Đường tạm tránh qua khu vực sụt lún “hố tử thần” đường Lê Văn Lương đã chính thức được thông xe vào sáng nay (25/8), để đảm bảo việc đi lại cho các phương tiện qua tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông.
Đường tránh mới làm đi vòng qua 'hố tử thần" để vào khu đô thị Nam Cường rồi cắt ra đường Lê Văn Lương kéo dài. Theo Tập đoàn Nam Cường, trong ngày 24/8, đơn vị này đã hoàn thành thi công đường tránh tạm thời rộng 12m đồng thời triển khai việc sơn kẻ, lắp đặt biển báo giao thông để có thể thông xe vào sáng ngày 25/8. Tuyến đường tránh tạm này chỉ phục vụ cho ôtô con, xe tải dưới 10 tấn và phương tiện thô sơ. Các phương tiện lưu thông qua khu vực thi công không quá 15km/h.
Thông xe đường tránh trên đường Lê Văn Lương
Thông xe đường "tránh tạm" trên đường Lê Văn Lương
Tuy nhiên, việc làm đường tạm để thông đường trục phía Bắc Hà Đông cũng nảy sinh vấn đề gây mất an toàn giao thông. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội nhận định, tuyến đường tạm có 2 làn lại là điểm cua gấp không có đèn chiếu sáng nên vào buổi tối rất dễ xảy ra tai nạn giao thông đối với các phương tiện lưu thông qua đường tránh này.

Đề cập đến việc khắc phục “hố tử thần”, theo đại diện Công ty Cổ phần Sông Đà-Thăng Long, đến thời điểm này đã thu dọn được khoảng 80% khối lượng cống, bùn đất từ hố móng.


Tuy nhiên, để việc hoàn trả mặt đường sớm hoàn thành, đại diện Công ty Cổ phần Sông Đà-Thăng Long đề nghị, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) sớm có giải pháp xử lý kỹ thuật vị trí sụt lún để công ty lên kế hoạch chuẩn bị vật tư khắc phục “hố tử thần”.


Trước kiến nghị của Công ty Cổ phần Sông Đà-Thăng Long, đại diện TEDI cho biết, chậm nhất vào ngày 27/8 sẽ có giải pháp kỹ thuật để khắc phục hoàn trả nguyên trạng vị trí tuyến đường.


Nguồn : Báo Giaothongvantai